Mô hình dự án trồng dưa lưới công nghệ cao xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đang mang lại thu nhập cao cho nông dân. Ngày 30/7, Đoàn công tác Trung Hội NDVN do đồng chí Thào Xuân Sùng dẫn đầu đã thăm mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao này.
Trong ngày 30/7, đồng chí Thào Xuân Sùng – Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (TƯ NDVN) và đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại huyện Châu Thành (Trà Vinh).
Nông dân thời nông nghiệp 4.0
Tại dự án trồng dưa lưới công nghệ cao, ông Diệp Huỳnh Khôn – Tổ trưởng Tổ trồng dưa lưới công nghệ cao xã Lương Hòa A cho biết, kinh phí thực hiện dự án là trên 2,3 tỷ đồng, trong đó Hội Nông dân (ND) hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân 1 tỷ đồng.
Hiện, tổ trồng dưa lưới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao xã Lương Hoà có 13 hộ tham gia sản xuất 13 nhà trồng dưa lưới công nghệ cao trên diện tích sản xuất 1,3ha (mỗi nhà trồng có diện tích khoảng 1.000m2).
Đồng chí Thào Xuân Sùng đề nghị Chi Hội nông dân nghề nghiệp ấp Long Bình tiến tới thành lập hợp tác xã, sau đó thành lập công ty trực thuộc HTX. Phía Hội ND tỉnh cần theo dõi sát, tiếp tục hỗ trợ chi hội phát triển trong thời gian tới.
Theo ông Khôn, cây dưa lưới đòi hỏi phải có kỹ thuật, công nghệ cao, tuy nhiên, sau 1 năm trồng là có thể thu hồi vốn. Do có công ty ở TP.HCM liên kết tiêu thụ nên người dân không lo đầu ra. Hiện năng suất trung bình từ 2,5 – 3,0 tấn/1.500 dây/1.000m2 với giá bán dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ dưa lưới nông dân sẽ thu lợi nhuận từ 45 – 50 triệu đồng. Mỗi năm, nơi đây thu hoạch được 4 vụ dưa lưới.
Điều đặc biệt của dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao này là ngoài nông dân, các bộ, lãnh đạo xã Lương Hòa A đều tham gia. Do hiệu quả cao nên thời gian tới, dự án sẽ được mở rộng về quy mô.
Đi tham quan khu vực trồng dưa lưới công nghệ cao, đồng chí Thào Xuân Sùng đánh giá cao những kỹ thuật áp dụng vào dự án. Đồng chí khẳng định, dự án đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang mô hình tăng trưởng bài bản trong vùng có đông đồng bào dân tộc.
Đồng thời, Chủ tịch Thào Xuân Sùng mong muốn tổ trồng dưa lưới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao xã Lương Hòa A sử dụng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đúng mục đích, tiếp tục phát động đến hội viên, nông dân đầu tư sản xuất theo công nghệ cao, không ngừng học tập trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế tập thể hoạt động sản xuất có hiệu quả để áp dụng về địa phương.
Nông dân liên kết với doanh nhiệp
Rời dự án trồng dưa lưới công nghệ cao xã Lương Hòa A, đồng chí Thào Xuân Sùng và đoàn công tác đến thăm mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Võ Văn Chà (ấp Ô Chích, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành). Ông Chà cho hay, hiện gia đình ông có 3,2ha bưởi da xanh trồng theo hướng VietGAP. Mỗi năm, trừ tất cả chi phí, thu lời từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Điểm nổi bật trong việc trồng bưởi da xanh của ông Chà là áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh.
Ông Chà còn trồng thêm nhiều cây dừa để giữ độ ẩm cần thiết cho vườn bưởi da xanh phát triển. Không trồng bưởi da xanh một mình, ông Chà còn vận động người dân trong ấp tham gia Tổ hợp tác trồng Bưởi da xanh ấp Ô Chích.
Tổ hợp tác này do ông Chà làm tổ trưởng, số thành viên của tổ đã lên đến 43 người, với tổng diện tích trên 27,3ha. Gần đây, tổ hợp tác bưởi da xanh ấp Ô Chích còn được cấp giấy chứng nhận sản xuất thực hành nông nghiệp sạch VietGAP.
Đồng chí Thào Xuân Sùng cho rằng, mô hình trồng bưởi trên đã có những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, thời gian tới, cần có sự liên kết ổn định từ đầu vào đến đầu ra với doanh nghiệp.
Ngoài các kỹ thuật chăm sóc như trước đây, khi mở rộng diện tích, nhà vườn cần nghiên cứu sử dụng giống mới có chất lượng nhằm tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và tạo ra giá trị sản phẩm nông sản cao hơn so với cách sản xuất truyền thống. Hội ND địa phương, cần có sự hỗ trợ thêm cho hộ ông Chà và Tổ hợp tác Bưởi da xanh ấp Ô Chích về vốn, kỹ thuật…
Chiều cùng ngày, đồng chí Thào Xuân Sùng đến tìm hiểu tình hình sản xuất và tiêu thụ cây kiểng tại Chi hội ND nghề nghiệp ấp Long Bình (Hội ND phường 4, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Tại đây, đồng chí Thào Xuân Sùng đánh giá cao hoạt động của chi hội. Cụ thể, thời gian qua, chi Hội đã luôn sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng hội viên, đa dạng hóa hình thức tập hợp nông dân.
Cuối ngày, đồng chí Thào Xuân Sùng đã có buổi làm việc với UBND huyện Châu Thành. Tại đây, đại diện các ngành chức năng huyện Châu Thành đã lần lượt chia sẻ cách làm trong thời gian qua về phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đưa ra những định hướng cũng như những đề xuất, kiến nghị giúp địa phương phát triển theo tầm nhìn năm 2030, năm 2045.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thào Xuân Sùng nhận định, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã rất nỗ lực thực hiện 2 nhiệm vụ, gồm phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
“Trà Vinh vốn là nơi chịu áp lực rất lớn về biến đổi khí hậu, lưu lượng nước cung cấp về không đều đặn, tuy nhiên, từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương cho thấy lãnh đạo huyện Châu Thành và Hội ND các cấp đã có quyết tâm cao. Bởi, những mô hình đều mang lại lợi nhuận rất cao so với trồng lúa…” – Chủ tịch Thào Xuân Sùng bày tỏ tin tưởng.