Mô hình trồng dưa lưới không chỉ cho thu nhập gấp nhiêu lần trồng lúa, mà còn “thách thức” cả hạn mặn đang diễn ra ngày càng khốc liệt…
Thành công ngoài mong đợi
Những năm gần đây, ở xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh xuất hiện mô hình trồng dưa lưới cho hiệu quả rất cao. Người tiên phong trồng là ông Diệp Huỳnh Khôn. Ông kể: Trước đây, gia đình ông trồng hoa Lài với nguồn thu nhập bấp bênh, đầu ra không ổn định.
Năm 2018, khi đó ông Khôn có người con rể làm ở một công ty hạt giống ở Tiền Giang đã gợi ý cho ông trồng dưa lưới, đồng thời cung cấp giống cây, hỗ trợ kỹ thuật. Sau đó, ông Khôn cải tạo 1.000 m2 đất để xây dựng nhà màn, trồng thử nghiệm 2.500 dây dưa lưới Nhật giống TN3, với tổng chi phí đầu tư khoảng 350 triệu đồng. Sau 75 – 80 ngày xuống giống, cây dưa lưới cho thu hoạch với năng suất đạt 3,5 tấn/1.000 m2. Với giá bán 60.000 đồng/kg thời điểm đó, trừ tất cả chi phí, ông thu lãi 80 triệu đồng.
Từ thành công này, ông Khôn còn xây dựng vườn ươm để chuẩn bị cây giống cho vụ sản xuất tiếp theo. Sau khi thu hoạch vụ dưa đầu, ông lại đưa cây giống mới vào nhà màn trồng ngay. Vì vậy, mỗi năm gia đình ông sản xuất liên tục 4 vụ, thu lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng.
Hiện ông đang trồng giống dưa lưới 238 và dưa lê Hàn Quốc 526, dự kiến sẽ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Thị trường tiêu thụ các loại dưa này chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu thông qua thương lái.
Nhân rộng mô hình
Sau mô hình của ông Khôn, Hội Nông dân xã Lương Hòa A đã vận động nhiều hộ dân trên địa bàn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp để trồng dưa lưới. Theo đó, Tổ kinh tế hợp tác trồng dưa lưới Lương Hòa A được thành lập năm 2019, đến nay đã với 22 thành viên do ông Diệp Huỳnh Khôn làm Tổ trưởng.
“Khi đã thử nghiệm thành công, tui tiếp tục cải tạo hơn 1.000 m2 đất để xây dựng thêm một nhà màn. Lần này tui đã loại bỏ những thứ không cần thiết, nên đã giảm chi phí xuống còn 250 triệu đồng, nhưng vẫn đảm bảo kết cấu, đủ chức năng che chắn mưa, nắng, gió, ngăn côn trùng và hệ thống tưới nhỏ giọt, không ảnh hưởng năng suất và chất lượng. Bình quân mỗi vụ, năng suất đạt khoảng 3,5 tấn/1.000 m2, mỗi quả từ 1,5 kg trở lên đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Khôn hồ hởi khoe.
Hiện, dưa lưới sau thời gian trồng gần 3 tháng cho thu hoạch. Mỗi năm, thành viên tổ hợp tác trồng 2 vụ, với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, dưa lưới cho lợi nhuận từ 45-50 triệu đồng/1.000m2/vụ, cao hơn 10 lần so với trồng lúa trước đó.
Ông Nguyễn Tường Linh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho rằng, mô hình trồng dưa lưới của Tổ kinh tế hợp tác Lương Hòa A sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước và rất thích ứng biến đổi khí hậu. Vì vậy, ngay cả khi nước mặn xâm nhập cũng không ảnh hưởng diện tích sản xuất của bà con. Đồng thời, ngăn ngừa được côn trùng tấn công nên hạn chế sâu bệnh, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ được môi trường.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 30% đồng bào dân tộc Khmer, chủ yếu sống bằng nghề nông. Tình hình biến đổi khí hậu, hạn, mặn diễn ra ngày càng gắt gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của nông dân. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi hơn 24.000 ha đất lúa sang rau màu, cây hàng năm, lâu năm, nuôi thủy sản… Hầu hết các diện tích sau chuyển đổi đều tăng hiệu quả từ 3 lần trở lên so với trồng lúa trước đó. Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ tiếp tục thực thi chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong số đó, các diện tích trồng lúa kém hiệu quả được tỉnh hỗ trợ chuyển đổi sang trồng ngô, lạc, rau màu,… với các mức hỗ trợ theo quy định…